Dâu tây là một trong những loại trái cây được tiêu thụ phổ biến nhất trong lịch sử nhân loại ở Bắc bán cầu và chúng mới chỉ được trồng trong các trang trại và vườn trong thời gian gần đây.
Dù người La Mã từng nói nhiều về dâu tây trong các tài liệu của mình do những công dụng chữa bệnh của chúng cũng như hương thơm dâu tây được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp, sự dồi dào của loại quả này trong các khu rừng châu Âu hầu như không khiến ai cảm thấy cần phải trồng chúng cả. Trong số các loại cây dại thời đó, chúng ta có thể phân biệt dâu rừng nhỏ (fragaria vesca) và dâu xanh, những loại này chua hơn các loại được tiêu thụ ngày nay và người ta cũng chỉ ăn chúng khi tình cờ thấy trên đường.
Mãi đến thế kỷ 14, chúng ta mới bất ngờ nhìn thấy những khu vườn nở hoa dâu tây tại hoa viên của vua Charles V (Pháp) từ năm 1364 đến năm 1380. Trong vườn thượng uyển của ông lúc đó có 1200 cây dâu tây dành cho triều đình. Từ đó, dâu tây được coi là loại quả quý tộc và được tìm thấy trong nhiều hình minh họa của các bản thảo trên khắp châu Âu trong nhiều thế kỷ sau đó, đồng thời loại quả này cũng được sử dụng trong các phương pháp điều trị trầm cảm.
Bản thảo lâu đời nhất còn sót lại giải thích cách trồng và thu hoạch dâu tây mới chỉ có từ năm 1578, chỉ một thế kỷ trước khi giống fragaria virginiana được nhập khẩu từ Đông Bắc Mỹ vào thế kỷ 17 bởi nhà thám hiểm người Pháp nổi tiếng Jacques Cartier khi ông “khám phá” ra Canada cho người Pháp. Giống dâu này to hơn nhưng không ngon lắm, do đó phải mất một thế kỷ nữa, giống này mới dần được đánh giá cao ở châu Âu.
Năm 1714, một sĩ quan hải quân, François Frézier (Pháp) mang về trái phép một số cây thuộc giống Chile (Fragaria chiloensis subsp. Chiloensis f. Chiloensis Staudt) cho quả lớn quanh năm. Nhưng hóa ra chúng chỉ là cây cái, do đó, dù sinh trưởng cực tốt ở châu Âu, chúng lại không ra quả.
Do đó, loại dâu tây phổ biến ngày nay của chúng ta vẫn chưa ra đời cho đến năm 1740, khi nhà thực vật học Antoine Nicolas Duchesne quan sát thấy rằng nhiều quả lai đã phát triển tự nhiên khi cây mang từ Chile được trồng gần dâu tây Virginia. Kết hợp hương vị của giống Virginia với kích thước của giống Chile (thực tế thậm chí còn lớn hơn), mùi hương, hình dáng và vị thì lại hơi giống quả dứa, điều này đã mang đến tên thực vật cho giống mới này (Fragaria × ananassa Duch).
Khám phá này cũng trở nên rất quan trọng đối với thực vật học vì cho đến lúc đó, người ta vẫn chưa thấy loài thực vật nào chỉ ra hoa cái hoặc hoa đực như là dâu tây Chile, chỉ có thể được thụ phấn với các các hoa đực của giống khác.
Nhiều giống dâu tây mới đã được tạo ra kể từ đó (hơn 600 giống), nhưng giống dâu tây lai này là nguồn gốc của hầu hết các loại dâu tây hiện tại của chúng ta.
Từ đó, theo thời gian, dâu tây phổ biến dần trên khắp thế giới, xuất hiện những giống mới được phát triển tại địa phương theo thị hiếu của văn hóa từng nơi. Ở châu Á, dâu tây trở nên phổ biến sau Thế chiến thứ hai nhờ Nhật Bản, ngay cả khi các luận thuyết đã nói về chúng khá sớm từ năm 990, đặc biệt là trong Cuốn sách Gối (枕 草 子, Makura no Sōshi) viết bởi Sei Shonagon.
Việc sản xuất đại trà (ngày nay Nhật Bản là nước sản xuất lớn thứ bảy trên thế giới) đã đưa dâu tây từ một loại trái cây sang trọng thành một món ngon phổ biến được thưởng thức trong nhiều dịp và hiện diện như một loại hương liệu trong hầu hết các loại thực phẩm có đường.